- Chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn triển khai vốn đầu tư với quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên, 500 Startups Vietnam
- Chúng tôi đã thành lập công ty đầu tư thứ hai để đầu tư với số vốn lớn hơn và hỗ trợ tốt hơn cho một danh mục nhỏ và tập trung hơn
- Chúng tôi vẫn giữ vững cam kết dẫn dắt 500 Startups Vietnam, tiếp tục hỗ trợ các công ty và founder trong danh mục, cũng như đem lại lợi nhuận đầu tư tối ưu cho các nhà đầu tư
Những năm qua, hệ sinh thái startup ở Việt Nam đã hoàn toàn chuyển mình. Ở thời điểm quỹ 500 Startups Vietnam đang được thai nghén, Việt Nam vừa hiếm người làm startup công nghệ vừa hiếm nguồn lực hỗ trợ cho startup. Số lượng nhà đầu tư vào các startup ở giai đoạn sớm cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và các khái niệm như convertible note (khoản vay chuyển đổi), minimum viable product (sản phẩm khả dụng tối thiểu), hay cap table (bảng giá trị vốn hoá) vẫn còn là những khái niệm xa lạ với thị trường công nghệ Việt. Để thấy được sự non trẻ của hệ sinh thái startup ở thời điểm đó, hãy nhìn vào tổng số vốn đầu tư mạo hiểm mà các startup Việt nhận được trong năm 2017 — con số đó là 48 triệu đô la¹, một con số rất khiêm tốn cho đất nước với dân số gần 100 triệu người. Vậy mà chỉ sau hai năm, vào năm 2019, con số đó đã cán mốc 1 tỉ đô la². Những startup Việt như ELSA, Trusting Social, Axie Infinity và Earable đã thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế hàng đầu như Sequoia, Founders Fund, Gradient (quỹ đầu tư AI của Google), Mark Cuban, v.v… Khi đầu tư mạo hiểm, nhiều nhà đầu tư thường có những công thức nhất định mà họ tuân theo để giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm những đội ngũ startup xuất sắc. Thế nhưng ở 500 Startups Vietnam, với chúng tôi – những người quản lý quỹ lần đầu ở một thị trường công nghệ còn sơ khai – điều đó là không thể. Có rất nhiều câu hỏi mà ở thời điểm đó, chúng tôi chưa có câu trả lời, chẳng hạn như:
Các founder đang muốn xây dựng giải pháp cho những vấn đề nào?
Startup cần những gì để thành công ở Việt Nam và cả những thị trường khác nữa?
Thế mạnh độc đáo của chúng ta là gì?
Ở thung lũng Silicon, 500 Startups là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong trong việc đầu tư bên ngoài thung lũng. Sứ mệnh của họ là phục vụ các doanh nhân khởi nghiệp ở bất kì đâu trên thế giới, và chiến lược đầu tư “nhiều và nhỏ” (đầu tư vào nhiều công ty với số vốn nhỏ) của họ là chiến lược vô cùng hợp lý cho chúng tôi cũng như hệ sinh thái startup Việt lúc bấy giờ. Cùng với các đồng nghiệp và chiến hữu Khailee, Vishal, Krating, và Moo, chúng tôi đã triển khai chiến lược đầu tư này ở toàn khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đã thu thập nhiều thông tin và dữ liệu từ các thị trường, trau dồi khả năng và kiến thức, mở rộng mạng lưới quan hệ trong những ngành nghề và lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển và đổi mới sáng tạo, cũng như đầu tư và hỗ trợ rất nhiều startup. Việc xây dựng một danh mục đầu tư lớn và đa dạng tại 500 Startups Vietnam đã cho cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Đến nay, chúng tôi đã có được một đội ngũ tuyệt vời, một danh mục đầu tư mà tính tới hiện tại đã có 1 kì lân (công ty định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) và 3 nhân mã (công ty định giá từ 100 triệu đô la đến dưới 1 tỉ đô la). Dựa vào nhiều tiêu chí, chúng tôi là quỹ đầu tư thuộc top đầu trên toàn thế giới³. Bên cạnh đó, hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam cũng đã phát triển và trưởng thành. Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều founder tài năng hơn, và các giải pháp họ đang xây dựng ngày càng ưu việt hơn. Quy mô các vòng đầu tư giai đoạn hạt giống đã tăng hơn gấp đôi, đồng thời cũng có hàng chục các nhà đầu tư giai đoạn sớm khác chung tay cùng chúng tôi tìm kiếm những công ty có tiềm năng dẫn đầu thị trường khu vực. Hành trình 5 năm vừa qua với 500 Startups Vietnam không phải là một hành trình hoàn hảo. Mặc dù chúng tôi đã đầu tư bổ sung vào các công ty top đầu trong danh mục đầu tư của mình, chúng tôi vẫn mong muốn có nhiều vốn hơn để có thể đầu tư vào các đội ngũ startup xuất chúng nhiều hơn nữa. Hơn nữa, với một danh mục lớn (76 công ty), chúng tôi luôn cảm thấy mình không có đủ thời gian để tận dụng kinh nghiệm sẵn có về vận hành, tăng trưởng và gọi vốn, và hỗ trợ các founder tốt nhất có thể. Hệ sinh thái startup của Việt Nam đã phát triển, và chúng tôi cần phải thay đổi chiến lược của mình để bắt kịp với xu thế mới. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã quyết định thành lập Ascend Vietnam Ventures (AVV). Trong vòng 3 năm tới, mục tiêu của AVV là đầu tư từ 500 nghìn cho tới 2 triệu đô la vào 25 startup trong giai đoạn hạt giống. Một phần ba số công ty này sẽ được chúng tôi đầu tư bổ sung ở các vòng gọi vốn sau với số vốn lên tới 4 triệu đô la cho mỗi công ty. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn giữ vững cam kết của mình với 500 Startups Vietnam. Cùng với một đội ngũ chuyên biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty của 500 Startups Vietnam tăng trưởng và mang lại lợi nhuận tối ưu cho những LP, những nhà đầu tư đã ủng hộ chúng tôi từ những ngày đầu tiên. Thị trường Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển. Vốn đầu tư cho các startup ở nhiều giai đoạn khác nhau không thiếu. Thế nhưng những gì tạo nên thành công của các công ty quy mô khu vực hay toàn cầu hôm nay sẽ là không đủ cho các công ty muốn thành công vào ngày mai. Với một danh mục nhỏ và tập trung hơn, chúng tôi sẽ có thêm thời gian và nguồn lực để giúp từng công ty mà chúng tôi đầu tư vào xây dựng lợi thế thành công trong ba lĩnh vực trọng yếu — con người, tăng trưởng, và vốn đầu tư. Những lợi thế trong ba lĩnh vực này cần được kiến tạo trong 18 tháng đầu tiên của một startup và về lâu dài sẽ mang tính quyết định đối với các startup trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt:
- Con người – Nhân lực là nền tảng của mọi doanh nghiệp thành công. Những giá trị cốt lõi mà đội ngũ sáng lập trân trọng là gì? Làm thế nào để kiến tạo, tôn vinh và nuôi dưỡng văn hoá doanh nghiệp cho đúng với những giá trị đó? Làm thế nào để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp và thu hút được những nhân tài hàng đầu? Làm thế nào để trao quyền và giải phóng tài năng của đội ngũ bạn có mà vẫn có thể dẫn dắt họ đi đúng hướng và đạt mục tiêu?
- Tăng trưởng – Chiến lược tăng trưởng tối ưu là chiến lược tăng trưởng có giá trị bền vững. Nhóm khách hàng nào là nhóm khách hàng cần được nhắm tới đầu tiên? Làm thế nào để có thể xây dựng một ‘cỗ máy’ tăng trưởng hiệu quả mà không phải đốt tiền thông qua khả năng thấu hiểu khách hàng, vận dụng phân tích dữ liệu, với quy trình thử nghiệm tăng trưởng hiệu quả? Những thị trường liền kề nào hay những đối tác chiến lược nào có thể đem lại kết quả 100x cho công ty của bạn?
- Vốn đầu tư – Gọi vốn đúng chiến lược và đúng thời điểm sẽ mang lại hiệu ứng cấp số nhân cho doanh nghiệp của bạn. Làm thế nào để có thể truyền đạt được tầm nhìn của bạn với các nhà đầu tư? Làm thế nào để có thể tìm được con đường để tiếp cận nguồn vốn phù hợp? Làm thế nào để thu hút được số vốn đúng từ đúng nhà đầu tư và với những điều khoản hợp lý ở những bước chuyển mình của startup của bạn? Và, khi thời cơ đến, làm thế nào để thoái vốn thành công (qua M&A hay IPO)?
Trong suốt ba thập kỷ vừa qua, Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, và Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với tầm ảnh hưởng quan trọng trong tương lai. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành thủ phủ công nghệ mới. Với chiến lược mở cửa để toàn cầu hoá, Việt Nam đã tạo nên một môi trường kinh doanh cạnh tranh, thúc đẩy các startup công nghệ trở nên nhạy bén hơn và hoà nhập nhiều hơn với thế giới. Việt Nam còn là môi trường tốt cho các founder trong nước cũng như quốc tế nhờ vào chi phí cuộc sống thấp, xã hội an toàn và ổn định, và nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, tài năng với mức lương cạnh tranh hàng đầu trong khu vực. So với các thị trường mới nổi khác ở Châu Á Thái Bình Dương và thế giới, Việt Nam có nhiều điểm chung khi nhìn vào các vấn đề của thị trường, sức mua, hành vi tiêu dùng của người dân cũng như đặc thù của các doanh nghiệp SME. Các founder sẽ nhận thấy Việt Nam là cái nôi lý tưởng cho những công ty dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai, và chúng tôi sẽ ở đây để hỗ trợ họ.Bình và Eddie